Nâng cao hiệu quả hoạt động các hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành và tạo việc làm cho lao động nữ

Ngày 17/3 tại Trung tâm phụ nữ và phát triển, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã diễn ra Hội nghị khởi động đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” ( Đề án 01), đồng thời phát động Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2023 nhằm thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”.

Quang cảnh hội nghị
Hội nghị được đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì và chỉ đạo; tham dự hội nghị còn có đồng chí Hà Thị Nga, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; cùng nhiều lãnh đạo các bộ ban ngành trung ương và địa phương đến tham dự trực tiếp và tham dự trực tuyến tại các điểm cầu địa phương.
Khởi động đề án 01 của Chính phủ
Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” được Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 01/QĐ[1]TTg ngày 03/01/2023 trên cơ sở đề xuất của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Đề tập trung vào các nội dung cụ thể như tuyên truyền, vận động phụ nữ nâng cao nhận thức về hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành; hỗ trợ, tư vấn, xây dựng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các HTX; nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp hội về hỗ trợ, phát triển kinh tế tập thể, HTX; tăng cường hợp tác quốc tế.
Đồng chí Hà Thị Nga phát biểu tại hội nghị
Theo đồng chí Hà Thị Nga - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, hội nghị lần này nhằm kịp thời triển khai đề án, thống nhất nhận thức và trách nhiệm của các cấp hội LHPN, các bộ ngành, đoàn thể từ trung ương đến địa phương trong thực hiện đề án. Từ đó, thực hiện bảo đảm mục tiêu phát triển, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động các HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành; tạo nhiều việc làm cho lao động nữ; phát huy nội lực, tinh thần hợp tác, khởi nghiệp sáng tạo của hội viên, phụ nữ.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo – Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết: Hiện nay cả nước đã có gần 30 nghìn HTX trong đó 67,3% là HTX nông nghiệp còn lại là HTX phi nông nghiệp, trên 100 nghìn THT, 130 liên hiệp thu hút trên 8 triệu thành viên. Trong đó cả nước có gần 20% tổng số HTX có giám đốc là nữ điều hành, tham gia HĐQT. Hầu hết các HTX nông nghiệp, phi nông nghiệp, THT đều có lao động nữ. Các lãnh đạo nữ trong HTX hoạt động đa dạng gắn với tiềm năng lợi thế vùng miền đóng góp cho địa phương; có nhiều HTX đóng vai trò quan trọng trong chương trình mục tiêu quốc gia.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại hội nghị
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định: Các đề án của Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi cho Hội Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm lo cho phụ nữ; góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 20-NQ/TW và Nghị quyết số 09/NQ-CP của Chính phủ; tạo động lực mạnh mẽ cho phụ nữ cả nước tham gia phong trào khởi nghiệp, sáng tạo, nâng cao quyền năng kinh tế. Đồng thời, thông qua phát triển kinh tế có tác động tích cực vào sự ổn định xã hội, góp phần giải quyết những vấn đề xã hội như xây dựng gia đình hạnh phúc, bảo đảm đầy đủ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu ra 6 nhiệm vụ, công việc trọng tâm cần thực hiện của trong năm 2023 và các năm tiếp theo để Đề án 01 sớm đi vào cuộc sống:
Thứ nhất, TƯ Hội Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Cơ quan chủ trì thực hiện Đề án, cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Đề án theo từng giai đoạn và hàng năm. Khẩn trương chỉ đạo, hướng dẫn Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp tham mưu cho cấp uỷ, Ủy ban nhân dân ban hành Đề án/Kế hoạch/chương trình cụ thể, phân công rõ người, rõ việc để thực hiện Đề án 01 bài bản, đồng bộ, hiệu quả và phù hợp với đặc thù của từng địa phương. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đồng chí chủ động, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý.
Thứ hai, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bám sát các định hướng, chủ trương của Đảng về hỗ trợ các hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ, đặc biệt quan tâm mục tiêu "xóa bỏ phân biệt về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực" trong hoàn thiện Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Là cơ quan chủ quản chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, Hợp tác xã theo Quyết định 1804, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần phối hợp với các Bộ chủ quản các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ, bố trí kinh phí thực hiện Đề án 01, trước mắt bổ sung kinh phí thực hiện Đề án 01 trong năm 2023, cân đối phân bổ kinh phí từ ngân sách nhà nước và từ nguồn kinh phí của các chương trình mục tiêu quốc gia.
Thứ ba, Bộ Tài chính, trên cơ sở đề nghị của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, các Bộ ngành, Uỷ ban nhân dân các địa phương, cần dự kiến bố trí ngân sách trung hạn và hàng năm để thực hiện Đề án 01, lưu ý bổ sung ngân sách để các cấp Hội, các Bộ, ngành triển khai những nhiệm vụ ban đầu của Đề án trong năm 2023. Quan tâm chính sách thuế của khu vực kinh tế tập thể trong quá trình xây dựng Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành, tạo điều kiện cho các Hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ có cơ hội phát triển bền vững.
Thứ tư, các Bộ, cơ quan: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc và các Bộ ngành quan tâm cân đối, bố trí kinh phí trong các chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện nội dung phát triển kinh tế tập thể; rà soát đánh giá nhu cầu nhân lực nữ, xây dựng các chương trình đào tạo nghề phù hợp với nhân lực nữ phục vụ phát triển kinh tế tập thể; phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức các hội nghị, diễn đàn, các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới trong khu vực kinh tế tập thể.
Thứ năm, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sớm chỉ đạo xây dựng kế hoạch/đề án triển khai Đề án 01, thành lập Ban Chỉ đạo hoặc Tổ chỉ đạo thực hiện Đề án (ban hành trước tháng 5/2023). Quan tâm bố trí nguồn lực, ưu tiên lồng ghép vào các chương trình, đề án có liên quan nhằm tạo điều kiện cho Hội Liên hiệp Phụ nữ thực hiện Đề án 01. Phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở ngành, địa phương, tạo điều kiện và phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trong triển khai Đề án.
Thứ sáu, các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai các nhiệm vụ được giao tại Đề án 01. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đề xuất phương hướng xử lý. Giao Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp các Bộ, ngành liên quan tổng hợp tiến độ triển khai và báo cáo kết quả với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Trong khuôn khổ hội nghị còn diễn ra lễ phát động cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp” năm 2023 với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa”. Đây là hoạt động thường niên được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức thuộc khuôn khổ Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” (Đề án 939) nhằm động viên, khuyến khích phụ nữ ở mọi tầng lớp, lứa tuổi tích cực tham gia khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.
Quang Trung

https://vca.org.vn/nang-cao-hieu-qua-hoat-dong-cac-hop-tac-xa-do-phu-nu-tham-gia-quan-ly-dieu-hanh-a28954.html