HTX mạnh dạn ứng dụng công nghệ, nâng cao giá trị sản phẩm

Các HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi đang ở giai đoạn đầu của chuyển đổi số. Dù vậy, những đổi mới này là cần thiết và đang cho thấy hiệu quả nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh ở khu vực KTTT, HTX.

Ông Lưu Xuân Thủy, Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số, Ủy ban Dân tộc cho biết, hiện nay, vùng đồng bào DTTS và miền núi có khoảng gần 12.000 HTX, chiếm 42,4% tổng số HTX của cả nước, thu hút hàng triệu lao động. Đặc biệt, việc ứng dụng khoa học công nghệ đã giúp các HTX giảm trung bình 25,3% chi phí về phân bón, thức ăn chăn nuôi, 50,4% chi phí thuốc BVTV, thuốc thú y, 36,3% chi phí thuê lao động và giảm 43,9% lượng nước sử dụng so với trước đó nhưng lại cho năng suất cây trồng, vật nuôi cao.

Nâng cao chất lượng sản phẩm nhờ đổi mới công nghệ

Còn nhớ, ngày 3-2-2021, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 167/QĐ-TTg phê duyệt Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt, đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới là hướng đi mang lại nhiều tín hiệu tích cực. Điều này đang mở ra những cơ hội mới cho các HTX, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS trong việc áp dụng công nghệ, nâng cao giá trị sản phẩm.

-4303-1678846431.jpg

Các HTX vùng đồng bào DTTS và miền núi đang ở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất.

“Ứng dụng khoa học công nghệ đã giúp các HTX tăng năng suất cây trồng, vật nuôi trung bình 39,8%. Việc ứng dụng khoa học công nghệ tại các HTX cũng đảm bảo tốt hơn về an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời cải thiện rõ rệt chất lượng sản phẩm”, ông Lưu Xuân Thủy cho hay.

Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn nhưng những năm qua, các HTX vùng đồng bào DTTS ở Sơn La đã khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Sự phát triển của mô hình HTX kiểu mới đã khắc phục những tồn tại trong sản xuất nông nghiệp như sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, năng lực cạnh tranh kém...

Để thúc đẩy các HTX phát triển, tỉnh Sơn La đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích các HTX, hộ nông dân tích cực ứng dụng công nghệ vào các khâu trong quá trình sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm. Từ đó, nhiều HTX nông nghiệp kiểu mới với các sản phẩm ứng dụng công nghệ đã được hình thành trên địa bàn huyện, tạo ra sự thay đổi đáng kể trong phương thức sản xuất nông nghiệp.

Được thành lập từ năm 2016, ban đầu, HTX nông nghiệp Dũng Tiến, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La chỉ sản xuất rau chính vụ. Sản phẩm làm ra chưa có hợp đồng tiêu thụ nên giá trị canh tác chỉ đạt 160 triệu đồng/ha/năm/3 vụ sản xuất. Từ năm 2019, HTX đã áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi trồng các loại rau màu trái vụ theo tiêu chuẩn VietGAP, gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm ra thị trường trong và ngoài tỉnh, nhờ đó góp phần nâng cao thu nhập cho HTX và các thành viên.

Ông Kim Văn Dũng, Giám đốc HTX nông nghiệp Dũng Tiến cho biết: “Việc thực hiện mô hình HTX kiểu mới đã thay đổi tập quán canh tác, trồng trọt của hộ cá nhân phân tán trước đây sang trồng tập trung có đầu tư thâm canh, tạo được chuỗi sản xuất liên kết, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, tận dụng được đất đai và lao động địa phương. Đặc biệt, HTX còn hỗ trợ các thành viên cải tiến quy trình kỹ thuật sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, bảo đảm các tiêu chuẩn đạt chứng nhận an toàn, xây dựng, tạo lập nhãn hiệu, nhận diện thương hiệu, bao bì, mẫu mã sản phẩm. Nhờ vậy mà đời sống của bà con ngày càng phát triển”.

Khai thác tốt thế mạnh địa phương

Tại tỉnh Bắc Kạn, mô hình hoạt động của HTX Thanh niên Như Cố, huyện Chợ Mới đã xây dựng mô hình sản xuất trong nhà lưới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác.

-3008-1678846431.jpg

HTX không chỉ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mà còn góp phần tạo dựng thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm.

HTX luôn chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, sản xuất các sản phẩm an toàn, toàn bộ quy trình sản xuất rau, quả của HTX được thành viên thực hiện nghiêm ngặt, việc sử dụng phân bón vi sinh, hữu cơ, các chế phẩm sinh học do các thành viên tự chế để chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh bằng các biện pháp sinh học. Ngoài ra, HTX còn đầu tư con giống, chuồng trại để nuôi gà theo hướng bán công nghiệp và bồ câu Pháp nuôi nhốt đã đem lại thu nhập cho các thành viên.

Anh Hà Văn Cường, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thanh niên Như Cố cho biết: Hiện nay, HTX xây dựng nhiều mô hình mới theo hướng công nghệ cao như: nhà lưới CNC, áp dụng KHKT tiên tiến vào canh tác, máy móc thiết bị làm đất, bạt phủ luống, hệ thống tưới nhỏ giọt… Đồng thời xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho nhiều sản phẩm như: Dưa lê Như Cố, Dưa lưới Như Cố, Cà chua Như Cố, Mật ong hoa rừng Như Cố, Bún khô Quân Nguyệt, Trà mướp đắng rừng, Chè Như Cố...

Từ năm 2019, HTX phát triển thêm 01 nhà lưới công nghệ cao với diện tích 1.000m2 nâng diện tích nhà lưới công nghệ cao lên 2.000m2 chuyên trồng sản phẩm dưa lưới, giá trung bình 65.000 đồng/kg, doanh thu đạt 220 triệu đồng/vụ. Đối với cây chè: diện tích 10ha chè thâm canh theo hướng VietGAP, 01 xưởng chế biến rộng 320m2, doanh thu đạt 412 triệu đồng.

Ngoài ra HTX còn phát triển thêm 1ha mướp đắng rừng, 2,55ha thanh long ruột đỏ… Hiện tại, trong lĩnh vực trồng trọt, HTX có 02 sản phẩm đạt chứng nhận 3 sao OCOP và 01 sản phẩm ký kết tiêu thụ với Tập đoàn Central Group Việt Nam (Big C).

Có thể thấy, với nhiều mô hình mới, phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị được nhân rộng, các HTX kiểu mới như hai ví dụ kể trên không chỉ chuyển đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết phát triển sản xuất theo hướng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mà còn góp phần tạo dựng thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm vùng đồng bào DTTS. 

Tuy nhiên, để các HTX tự tin, đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ vào sản xuất, rất cần các chính sách từ trung ương đến địa phương tiếp tục sửa đổi theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất tiếp cận được nguồn vốn để làm nông nghiệp công nghệ cao.

Các địa phương cũng cần tiến hành công tác quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ cao và công bố công khai quy hoạch vùng chăn nuôi để kêu gọi các cá nhân, HTX, doanh nghiệp đầu tư. Đồng thời, xây dựng cơ chế chính sách phù hợp trong việc khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư vốn để ứng dụng công nghệ cao, nhất là các chính sách về đất đai, quy hoạch phát triển…

Đoàn Huyền

Nguồn trích dẫn: https://vnbusiness.vn/khoa-hoc-cong-nghe/htx-manh-dan-ung-dung-cong-nghe-nang-cao-gia-tri-san-pham-1091366.html